Chào mừng đến với công ty CP Hàng Hải Tân Cảng miền Bắc (TCM) - Liên hệ ngay để được cung cấp dịch vụ 24/7: 0912160283

Hà Lan Hỗ Trợ Việt Nam Phát Triển Điện Gió Ngoài Khơi

18/11/2022
887

Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi, hoàn thành chiến lược net-zero (mức phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.

Hà Lan đã cam kết hỗ trợ hành trình phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam – địa điểm giàu tiềm năng được cho là thị trường tiếp theo tại châu Á.

Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội cho biết, Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cải thiện môi trường pháp lý cần thiết, đặc biệt là khuôn khổ để tạo thuận lợi cho điện gió ngoài khơi và các thỏa thuận mua điện trực tiếp của các công ty tư nhân.

Cam kết được đưa ra trong chuyến thăm tại Việt Nam của Thứ trưởng Kinh tế Đối ngoại Hà Lan Hanneke Schuiling vào ngày 25, 26/4/2022.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Schuiling khen ngợi và bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam về cam kết chuyển đổi nền kinh tế xanh và đạt net-zero vào năm 2050. Điện gió ngoài khơi hiện được coi là nguồn năng lượng thay thế tiềm năng nhất góp phần vào lộ trình low carbon (ít carbon) ở đất nước ta nơi có bờ biển dài và diện tích mặt nước rộng lớn.

Năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn cùng với nông nghiệp, cấp nước, logistics và công nghệ cao là những lĩnh vực chính được trao đổi trong chương trình nghị sự trong chuyến thăm hai ngày của bà Schuiling tới Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An (thứ 5 từ trái sang) và Thứ trưởng Kinh tế Đối ngoại Hà Lan Hanneke Schuiling (thứ 6 từ trái sang) tại Hà Nội ngày 25/4.    Ảnh: MOIT

Quan hệ thương mại và tiềm năng

Những trụ cột chính phù hợp với mục tiêu chung về khí hậu và tăng trưởng kinh tế xanh được đặt ra bởi hai quốc gia thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU và là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất của EU tại Việt Nam.

Vì lợi ích của cả hai nước trong việc tận dụng tối đa tiềm năng của Hiệp định EVFTA, Hà Lan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc cải thiện logistics, thúc đẩy thương mại bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ cải cách nông nghiệp. Đồng thời, những thách thức về đô thị và khí hậu cũng như đại dịch như Covid-19 đặt ra nhu cầu hợp tác chặt chẽ hơn để tìm ra giải pháp sáng tạo và bền vững.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, bà Schuiling đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An vào 25/4 để thảo luận hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và việc triển khai thực hiện EVFTA.

Hà Lan hỗ trợ Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) triển khai chương trình "Sẵn sàng xuất khẩu" (Ready to Export) nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam và Hà Lan vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ trưởng Schuiling đề nghị hỗ trợ thêm để tạo thuận lợi cho việc triển khai EVFTA tại Việt Nam, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các giải pháp logistics đa phương thức.

Nhân dịp này, hai Thứ trưởng đã thảo luận về tầm quan trọng của trung tâm logistics và cảng biển nước sâu Cái Mép Hạ trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế - dự án với sự tham gia của các nhà đầu tư EU và Việt Nam với số vốn 1 tỉ USD. Hà Lan đang chờ phê duyệt khởi công dự án cuối cùng của Việt Nam.

Đáng chú ý, hai bên cũng đã thảo luận về chương trình miễn thị thực để tạo điều kiện cho doanh nhân đi công tác từ Hà Lan.

Đầu tư

Về lĩnh vực đầu tư, Hà Lan là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 của Việt Nam.

Vào 25/4, bà Schuiling đã tham gia cuộc họp với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Bà chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch tích hợp vùng đầu tiên tại Việt Nam.

Hà Lan đã đầu tư khoảng 50 triệu Euro từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân cho các dự án và sáng kiến tại Đồng bằng sông Cửu Long, và số lượng dự án vẫn tiếp tục gia tăng. Đầu tháng 4, Diễn đàn Kinh doanh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Cần Thơ đã chứng minh vai trò và sự hiện diện mạnh mẽ của Hà Lan tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn tài trợ khí hậu cho Việt Nam sẽ tăng đáng kể khi Hà Lan đóng vai trò dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi xanh của khu vực doanh nghiệp. Chính phủ hai bên được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một môi trường kinh doanh lành mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng Hà Lan đề nghị Hà Lan hỗ trợ hiện đại hóa Luật đấu thầu của Việt Nam, về kinh phí và tư vấn kỹ thuật. Bà Schuiling đã lưu ý về một nghiên cứu đánh giá sơ bộ quy mô dự án các Trung tâm Kinh doanh Nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long mà Hà Lan hiện đang tiến hành. Hà Lan mong muốn hợp tác với Việt Nam và Ngân hàng Thế giới trong việc phát triển các Trung tâm Kinh doanh Nông nghiệp.

Trong chuyến thăm, bà Schuiling cũng đã gặp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, nhấn mạnh mối quan hệ giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Rotterdam trong việc thích ứng khí hậu từ năm 2009. Hai bên cùng hợp tác giải quyết những thách thức đô thị hóa và tăng trưởng dân số nhằm tìm ra các giải pháp thông minh và bền vững.

Nhân chuyến thăm của Thứ trưởng Schuiling, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết nhiều chuyên gia và công ty Hà Lan thể hiện sự quan tâm, mong muốn hợp tác với TP.HCM về quy hoạch đô thị, phát triển các khu vực ven sông, chống lũ lụt đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông xanh.

Gặp gỡ doanh nghiệp

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Schuiling đã gặp gỡ 100 doanh nhân nữ Hà Lan và Việt Nam trong một chương trình truyền cảm hứng tinh thần kinh doanh của các doanh nhân nữ. Vị thứ trưởng này nhấn mạnh Hà Lan cam kết chung tay với Việt Nam để hỗ trợ phụ nữ có cơ hội bình đẳng trong kinh doanh và điều hành doanh nghiệp.

Tại Hải Phòng, cùng với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường, Thứ trưởng Schuiling đã tham dự Lễ bàn giao tàu lai dắt Tân cảng 99. Sau khi hạ thủy SPARKY, tàu kéo chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới tại cảng Auckland (New Zealand), Tân Cảng 99 là tàu thương mại đầu tiên của Damen Sông Cấm bàn giao cho một khách hàng Việt Nam, Công ty cổ phần Hàng hải Tân cảng Miền Bắc (TCM).

Bà Hanneke Schuiling Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đối ngoại Hà Lan phát biểu tại buổi lễ bàn giao tàu lai Tân cảng 99 tại nhà máy đóng tàu DAMEN Sông Cấm

Bà Hanneke Schuiling Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đối ngoại Hà Lan, Bà Elsbeth Akkerman Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, Ông Hoàng Mnh Cường Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng tại buổi lễ bàn giao tàu lai Tân cảng 99

Trong chuyến thăm nhà máy VinFast tại thành phố Hải Phòng, bà đã gặp gỡ ban lãnh đạo VinFast, hoan nghênh kế hoạch mở showroom trưng bày loạt xe điện mới của hãng tại Hà Lan và nhấn mạnh rằng Chính phủ Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho hoạt động của VinFast tại đất nước mình.

Chương trình làm việc của bà cũng bao gồm chuyến thăm nhà máy của Friesland Campina Việt Nam tại tỉnh Bình Dương. Tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Schuiling đã gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp Hà Lan và các công ty tham gia Liên minh Tăng trưởng Bền vững Hà Lan – Việt Nam.

“Việt Nam là đối tác quan trọng của Hà Lan tại Đông Nam Á. Tôi rất vui khi thấy sự hiện diện mạnh mẽ của các doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam và phục hồi sau Covid. Tôi vô cùng tự hào về những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan đối với quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế Việt Nam,” Thứ trưởng Schuiling chia sẻ.

Hà Lan và Việt Nam có mối quan hệ lâu dài và tin cậy. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực “Nước & Thích ứng với Biến đổi Khí hậu” và “An ninh Nông nghiệp và Lương thực”. Hà Lan là cửa ngõ của Châu Âu và Việt Nam là cửa ngõ của ASEAN. Việt Nam và Hà Lan sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Nguồn: Hanoi Times, Netherlands to support Vietnam offshore wind